Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn – người sáng lập đế quốc Mông Cổ và là một trong những nhà quân sự lỗi lạc, có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới – ở đâu vẫn là bí ẩn.
Theo Live Science cho biết, giới nghiên cứu vẫn chưa tìm được vị trí ngôi mộ của ông. Một khả năng là Thành Cát Tư Hãn được chôn cất ở tỉnh Khentii phía đông Mông Cổ, nơi ông ra đời. Nancy Steinhardt, giáo sư nghệ thuật Đông Á ở Bảo tàng Pennsylvania thuộc Đại học Pennsylvania, suy đoán ngôi mộ nằm ở vùng núi của tỉnh Khentii.
Không có tài liệu lịch sử hoặc khảo cổ nào mô tả hình dáng ngôi mộ của Thanh Cát Tư Hãn. Các nhà khoa học sử dụng ảnh vệ tinh để tìm kiếm ngôi mộ. Kết quả khảo sát bằng vệ tinh xác định loạt tàn tích nhưng trong đó không có mộ của Thành Cát Tư Hãn.
Mông Cổ Bí Sử, tác phẩm văn chương tiếng Mông Cổ lâu đời nhất còn tồn tại, không đề cập tới ngôi mộ của ông. Văn bản chỉ viết vào năm 1227, Thành Cát Tư Hãn “lên thiên đường”. Tuy nhiên, văn bản cho biết Thành Cát Tư Hãn rất chú ý tới Burkhan Khaldun, ngọn núi linh thiêng ở tỉnh Khentii.
Thời trẻ, ông từng dựa vào địa thế ngọn núi để trốn chạy kẻ thù. Vì vậy, nhiều học giả nghi ngờ ông được chôn cất tại đó, nhưng tính đến nay, họ vẫn chưa phát hiện dấu vết của ngôi mộ.
Nhà thám hiểm Marco Polo (1254 – 1324) và đã sống 17 năm ở Trung Quốc, tiết lộ 20.000 người biết vị trí ngôi mộ đã bị giết chết nhằm giữ kín bí mật trong cuốn “Marco Polo du ký”. Độ chính xác trong lời kể của Polo vẫn là đề tài gây tranh cãi giữa các sử gia hiện đại.
Hà Sơn